Đào tạo thạc sỹ “Kỹ thuật hệ thống đường sắt” tại Đại học Giao thông Vận tải theo chuẩn quốc tế của TU-DRESDEN (CHLB Đức)
Ngày 13-14/10/2016, Đại học Giao thông Vận tải (UTC) đã nhận chuyển giao thành công chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ "Kỹ thuật hệ thống đường sắt" từ Trường Đại học TU Dresden (Cộng hòa Liên bang Đức) dưới sự chứng kiến của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long (UTC) và Prof. Dr.-Ing. Jochen Trinckauf (TU Dresden).
Theo đó, từ năm 2016, Đại học giao thông Vận tải thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ "Kỹ thuật hệ thống đường sắt" với số lượng từ 5-50 học viên/năm, hệ chính quy tập trung, thời gian 02 năm 04 học kỳ (học kỳ cuối làm luận văn), với chương trình đạt chuẩn Quốc tế dưới sự giám sát chặt chẽ của Đại học TU Dresden.
Đối tượng tuyển sinh là các kỹ sư Đường sắt, Cầu đường sắt, Đường sắt đô thị, Hệ thống điều khiển giao thông, Kỹ thuật tín hiệu đường sắt, Thông tin tín hiệu, Vận tải đường sắt, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Vận tải và kinh tế đường sắt, Kinh tế vận tải sắt, Đầu máy, Đầu máy - Toa xe, Tầu điện - Metro.
Chương trình đào tạo Thạc sĩ "Kỹ thuật hệ thống đường sắt" xuất phát từ nhu cầu của thực tế Việt Nam: Hệ thống đường sắt Việt Nam tiếp nhận từ Pháp và đã được khai thác trong suốt hơn 70 năm qua, đến nay đang rất cần được đổi mới; Nhu cầu học tập nâng cao trình độ của các kỹ sư Đường sắt, Cầu đường sắt, Đường sắt đô thị, Hệ thống điều khiển giao thông, Kỹ thuật tín hiệu đường sắt, Thông tin tín hiệu, Vận tải đường sắt, Khai thác và quản lý đường sắt đô thị, Vận tải kinh tế đường sắt, Đầu máy, Đầu máy - Toa xe, Tàu điện - Metro là rất lớn.
Thông qua chương trình đào tạo Thạc sĩ "Kỹ thuật hệ thống đường sắt", Đại học Giao thông Vận tải không chỉ cung cấp nguồn nhân lực đường sắt chất lượng cao cho xã hội, mà còn tạo ra môi trường chuyên nghiệp cho các cán bộ giảng viên của Bộ môn Đường sắt, Tín hiệu Giao thông, Vận tải và Kinh tế sắt, Đầu máy toa xe nghiên cứu phát triển, gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất.