Sinh viên Tự động hóa K60 đi thực tế tại Nhà máy thủy điện hòa bình năm học 2021-2022

 

Thế giới đang trong thời kỳ công nghệ 4.0 kèm theo đó là sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ và  không thể không kể đến công nghê IoT đang gắn bó với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trên toàn cầu. Nắm bắt được xu hướng hiện nay, sinh viên chuyên ngành Tự động hóa, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học GTVT không chỉ tiếp thu kiến thức trong những giờ học trên giảng đường mà còn chủ động, tích cực tham gia các chuyến đi thực tế tại các Nhà máy, Doanh nghiệp ngoài Nhà trường. Đây cũng chính là định hướng đào tạo vì người học: luôn gắn kết giảng dạy lý thuyết với giảng dạy thực hành và đi thực tế cơ sở sản xuất của Bộ môn Điều khiển học - Khoa Điện - Điện tử - Trường Đại học GTVT (Bộ môn được Nhà trường giao quản lý chuyên ngành Tự động hóa từ năm 1997).

 

Chuyến tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình ngày 22/4/2022 là hoạt động tiêu biểu cho những chuyến đi thực tế của sinh viên Tự động hóa Trường Đại học GTVT. Chuyến đi tham quan có sự tham gia của rất đông sinh viên Tự động hóa K60 tham gia. Tại Công ty các em đã được các anh cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn về nhiều nội dung liên quan đến chuyên ngành Tự động hoá, mà các em đang học gồm:                         

  • Hệ điều khiển tự động hoá tổ máy, đặc biệt hệ thống điều khiển PLC S7-1200.
  • Hệ thống điều khiển giám sát & thiết bị điều khiển 06 tổ máy phát.
  • Hệ thống điều khiển giám sát & Thiết bị trạm biến áp trung gian 220kV

 

Kết thúc buổi tham quan, Thầy Nguyễn Hoàng Vân và Cô Võ Thanh Hà đã gửi lời cảm ơn tới đại diện Công ty đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên đến tham quan. Trong thời gian sắp tới, Bộ môn Điều Khiển Học, Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học GTVT sẽ cộng tác nhiều hơn với Công ty về thực tập chuyên ngành, tốt nghiệp cho sinh viên trong thời gian sắp tới.

Sinh viên Tự động hóa K60 tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình

 

Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng từ năm 1979 trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến năm 2012. Thủy điện Hòa Bình có diện tích hồ chứa 208 km2 , tổng dung tích hồ chứa lên đến 9,46 tỉ m3, công suất lắp 1920 MW, gồm 8 tổ máy. Nhà máy có 12 cửa xả và 8 tổ máy phát điện. Hàng năm nhà máy đã sản xuất điện với sản lượng bình quân 8,6 tỉ KWh. Bên cạnh đó, công trình thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nhà máy cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Đồng thời cải thiện việc đi lại bằng đường thủy cả ở thượng lưu và hạ lưu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Toàn cảnh thủy điện Hòa Bình

 

Ngày 22/4/2022 sinh viên chuyên ngành tự động hóa Trường Đại học GTVT đã có chuyến đi thực tế đến nhà máy để tham quan và tìm hiểu về hệ thống điều khiển và giám sát các tổ máy phát điện. Trước khi vào nhà máy thầy cô và các bạn sinh viên đã đến viếng thăm tượng đài Bác Hồ được xây bằng đá granit cao 18m trên đồi ông Tượng. Đây cũng là một trong những tượng đài bác lớn nhất cả nước.

 

Thành kính tưởng nhớ Bác Hồ tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình

     

Trong chuyến đi các sinh viên đã có dịp ghé thăm bức thư tuyệt mật của các nhà lãnh đạo công trường trong đó có chữ ký của Tổng Chuyên viên Liên Xô gửi thế hệ Việt Nam 100 năm sau, được chôn chặt trong khối bê tông đặt ở nhà quan sát bờ trái. Lá thư viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, sẽ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100.

 

 

Tiếp đến thầy cô và sinh viên Tự động hóa Trường Đại học GTVT đã có chuyến tham quan và tìm hiểu nguyên lý hoạt động các tổ máy bên trong nhà máy thủy điện Hòa Bình. Các tổ máy được đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính với 8 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 240 MW, với công suất lắp máy 1.920 MW.

Công ty thủy điện Hòa Bình kỷ lục mới trong lịch sử ngành điện

Các tổ máy phát điện Nhà máy thủy điện Hòa Bình

 

Những chương trình trải nghiệm doanh nghiệp thực tế không chỉ giúp sinh viên nâng cao về kiến thức và kỹ năng, mà quan trọng hơn hết là sinh viên ngành Tự động Hóa Trường Đại học GTVT định hình được thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp trong học tập cũng như công việc để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực.

Việc tổ chức những chuyến tham quan thực tế tại doanh nghiệp có thể xem là cầu nối hiệu quả giữa các anh chị là cựu sinh viên và các em tân sinh viên, nơi doanh nghiệp và nhà trường gặp gỡ, phát triển mối quan hệ để đạt được mục đích chung là tạo điều kiện cho sinh viên có được những kiến thức và kỹ năng thực tế – nền tảng quan trọng để phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Chuyến tham quan đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc cho các bạn sinh viên, là một hoạt động ý nghĩa giúp sinh viên tích lũy nhiều kiến thức bổ ích trong quá trình học tập và định hướng công việc thực tế. Hơn thế nữa chuyến đi đã giúp tăng cường sự gắn kết giữa các bạn sinh viên Tự động hóa và giữa sinh viên với doanh nghiệp.

Bộ môn Điều khiển học#Tdh#2021-2022